Nền kinh tế Ba Lan đã phát triển nhanh chóng trong hai thập kỷ qua – tăng trưởng hơn bốn phần trăm mỗi năm, đạt tốc độ nhanh nhất châu Âu – và thu hút được những khoản đầu tư ồ ạt vào các công ty và cơ sở hạ tầng của họ. Ba Lan trở thành nền kinh tế lớn thứ sáu của EU.
Chất lượng cuộc sống đã tăng gấp đôi kể từ năm 1989 đến 2012, bằng 62 phần trăm mức sống của các quốc gia thịnh vượng ở trung tâm Châu Âu. Tất cả những điều này khiến cho nhà kinh tế học Marcin Piatkowski trong bản báo cáo gần đây của Ngân hàng thế giới đưa ra kết luận rằng Ba Lan “có lẽ vừa trải qua 20 năm tốt nhất trong hơn một nghìn năm lịch sử của họ.”
>> Xem thêm: http://hoctiengphap.info/
Vậy Ba Lan đã quyết tâm quản lý đất nước như thế nào để vượt qua những bi kịch lặp đi lặp lại trong quá khứ? Câu hỏi này hiếm khi được đặt ra bởi các nhà phân tích thị trường, vì mối quan tâm của họ với Ba Lan dường như chỉ dành cho các cuộc cải tổ kinh tế của những năm 1990. Những cuộc cải tổ đó thực sự là một phần của câu chuyện – nhưng đã tách ra và tập trung hoàn toàn vào việc làm lu mờ những nguyên nhân sâu xa hơn cho sự hồi sinh của đất nước. Để giải thích được sự bùng nổ kinh tế Ba Lan – và tại sao nó có khả năng tồn tại – đòi hỏi một cái nhìn sâu hơn vào lịch sử khó khăn của họ. Trong nhiều thập kỷ, vị trí địa lý là một trong những bi kịch của Ba Lan. Nằm trên vùng đồng bằng bằng phẳng, trải rộng ở Bắc Âu, không có đường ranh giới tự nhiên nào chia cắt họ với Đức về phía Tây, hoặc với Nga về phía Đông, Ba Lan thường bị giằng xé giữa hai nước này. Từ năm 1569 đến năm 1795, Ba Lan đã từng là một đế chế chuyên hướng về phía Đông: Khối thịnh vượng chung Ba Lan – Lithuanian, bao gồm những phần đất rộng lớn thuộc Belarus, Estonia, Latvia, Lithuania, và Ukraine ngày nay. Tuy nhiên, hiện nay, Ba Lan kiên quyết liên kết với phương Tây – đến mức người Ba Lan cảm thấy căm ghét khi đất nước của họ bị xem như là một phần của Đông Âu, và nhấn mạnh rằng họ sống ở Trung Âu. Mặc dù một số người coi sự chuyển đổi này là sự đối xử ưu ái nồng hậu của khối EU, tác giả thực sự tạo ra sự chuyển đổi Ba Lan sang phương Tây không ai khác ngoài Joseph Stalin.
>> Xem thêm: Luyện tập nói khi bắt đầu học tiếng Ba Lan
Sự đóng góp bất đắc dĩ của Stalin bắt nguồn từ việc các nhà lãnh đạo Liên Xô ép buộc xác định lại biên giới đất nước sau Thế chiến thứ hai. Ưu tiên hàng đầu của ông ta là mở rộng Liên Xô, và do đó, đã giữ lại tất cả các vùng đất ở phía Đông Ba Lan mà ông ta đã từng sát nhập vào năm 1939, và đền bù lại cho nước này một phần lớn các vùng lãnh thổ phía Đông Đức là Silesia, Pomerania, và Đông Phổ. Ngoài việc mở rộng quy mô cho đế chế, Stalin còn phải lo trừng phạt người Đức, và sự thực là, hàng triệu người đã bị trục xuất khỏi quê hương của họ trong các vùng lãnh thổ mới của Ba Lan. Rồi sau đó, hàng triệu người Ba Lan từ vùng đất bị sáp nhật ở phía Đông bị xua đuổi sang vùng đất trống hoàn toàn mới ở phía Tây.
Ngày nay, quyết định đẩy Ba Lan về phía Tây của Moscow phải bị coi là một sai lầm chiến lược lớn. Bởi vì hậu quả lâu dài là đã để cho Ba Lan di chuyển vào quỹ đạo của Đức một cách vững chắc. Thực vậy, Ba Lan ngày nay chủ yếu bao gồm lãnh thổ của Đức nhưng người Ba Lan sinh sống ở đó. Kể từ khi Đức chấp nhận tình trạng này thông qua ký kết hiệp ước hòa bình với Ba Lan vào năm 1990, họ đã tìm cách lôi kéo Ba Lan lại gần hơn. Và Warsawa tỏ ra là một đối tác có thiện chí.
Một phần của những điều khiến cho Ba Lan ngày nay trở thành một nơi đầu tư an toàn là mối ràng buộc sâu sắc với một nền kinh tế dẫn đầu Châu Âu. Mối quan hệ này có lợi cho cả hai quốc gia. Một lượng lớn máy móc xuất khẩu của Đức hiện nay được đặt ở Ba Lan. Ba Lan giành được các khoản đầu tư cũng như thị trường Đức cho hàng hóa của họ, còn Đức hưởng lợi từ Ba Lan nhờ cơ hội sử dụng cơ sở sản xuất sản phẩm giá rẻ, chất lượng cao để cạnh tranh với Đông Á. Quả thực, một vài ngành công nghiệp Đức có khả năng sản xuất hàng hóa ở Ba Lan với giá rẻ hơn ở Trung Quốc. Ba Lan cung cấp cho Đức môi trường kinh doanh thân thiện, nhiều lao động tay nghề cao, và, trên tất cả, là sự gần gũi.
Đức dựa rất nhiều vào người láng giềng phía Đông cho sự thành công trong ngành công nghiệp ô tô của họ. Tại nhà máy ở Poznan, Volkswagen tuyển dụng 6.900 công nhân để sản xuất các mô-đun ống dẫn, đầu xi lanh, thiết bị lái, cũng như 155.000 xe ô tô thương mại mỗi năm. Tập đoàn MAN tuyển dụng 4.000 công nhân ở Ba Lan để lắp ráp xe tải nặng, xe buýt thành phố và khung gầm xe buýt tại ba nhà máy khác nhau. Ô tô và linh kiện ô tô hiện đang là hàng hóa xuất khẩu chủ lực của Ba Lan, mặc dù sự thật là nước này không có nhãn hiệu nào nổi tiếng tầm quốc tế; một sự đóng góp to lớn nhưng rốt cuộc vẫn là nhãn hiệu xe của Đức. Một điều tương tự cũng xảy ra trong các ngành công nghiệp khác như thiết bị gia dụng và quần áo; ví dụ, hãng thời trang Hugo Boss của Đức cho sản xuất giày tại một nhà máy ở thành phố Radom của Ba Lan.
Vì hiện nay Ba Lan là một phần then chốt trong chuỗi cung ứng của Đức, nước này đã trở thành nền kinh tế xuất khẩu lớn – xuất khẩu hiện nay chiếm 46 phần trăm GDP. Một báo cáo gần đây của Morgan Stanley ước tính rằng 30 đến 40 phần trăm hàng xuất khẩu của Ba Lan sang Đức bây giờ đã trở thành hàng xuất khẩu của Đức đến các nước trên thế giới. Sự phụ thuộc lẫn nhau này giải thích lý do tại sao Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Ba Lan, mua bán đến 25 phần trăm hàng xuất khẩu và nhập khẩu của Ba Lan, tổng số chiếm khoảng 12 phần trăm nền kinh tế Ba Lan nói chung.
Không một lợi ích nào kể trên có thể xảy ra nếu mối quan hệ Đức – Ba Lan không được hội nhập vào Cộng đồng Châu Âu rộng lớn hơn. Kể từ khi Ba Lan gia nhập vào năm 2004, EU đã làm rất nhiều điều kì diệu cho họ và phần còn lại của Đông Âu, như đảm bảo quyền tự do dân chủ, cải cách hành chính và giúp tự do hóa thị trường. Trong thập kỷ qua, EU đã đầu tư gần 40 tỷ euro vào cơ sở hạ tầng cho Ba Lan, xây dựng các xa lộ kiểu Đức mà Ba Lan chưa từng có; nâng cấp đường cao tốc hai làn xe đã lỗi thời, bị quá tải và thường gây tử vong; cải tạo các trạm xe lửa và đường ray nhỏ hẹp; làm sạch các con sông; và thiết lập cơ sở hạ tầng băng thông rộng. Quá trình này đã biến Ba Lan thành công trường xây dựng lớn nhất châu Âu.
Từ năm 2000 đến năm 2013, tổng chiều dài đường cao tốc và xa lộ ở Ba Lan đã tăng gấp năm lần, làm giảm đáng kể chi phí và thời gian cho việc vận chuyển hàng hóa về phía Tây. Và những lợi ích sẽ vẫn tiếp diễn: từ năm 2014 đến năm 2020, Liên minh châu Âu dự kiến sẽ bơm hơn 106 tỷ euro vào nước này. Việc bơm tiền này sẽ tương đương gần hai phần trăm GDP hàng năm của kinh tế Ba Lan, mức độ tài trợ tương tự những gì Washington đã từng cung cấp cho Châu Âu theo kế hoạch Marshall.
Nguồn: Internet