Bài viết này sẽ mách bạn những giải pháp đơn giản đến không ngờ để làm quen, kết bạn và hòa đồng cùng sinh viên bản xứ.
Khi đặt chân đến Pháp du học, hoà nhập với môi trường mới càng nhanh các bạn du học sinh càng có nhiều thời gian tập trung học tập. Bài viết này sẽ mách bạn những giải pháp đơn giản đến không ngờ để làm quen, kết bạn và hòa đồng cùng sinh viên bản xứ.
Hòa nhập xã hội là mối quan tâm của nhiều sinh viên Việt Nam khi vừa chân ướt chân ráo sang Pháp du học. Đây cũng là một yếu tố quan trọng gây ảnh hưởng đến quá trình học tập của các du học sinh. Có một vòng luẩn quẩn mà nhiều bạn mãi không thoát ra được: ngại vì trình độ giao tiếp “nói ra là biết người ngoại quốc” nên tự cô lập hoặc chỉ chơi với các sinh viên Việt Nam khác. Mà khi “đóng cửa chơi với nhau”, ít giao tiếp với bạn bè bản xứ thì trình độ ngoại ngữ sẽ không thể cải thiện.
>> Xem thêm: http://duhocphap.com.vn/n201/Moi-dieu-can-biet-ve-chi-phi-sinh-hoat-khi-du-hoc-Phap.html
Học cách hòa nhập khi du học PhápSàn đấu hoặc sân khấu
Để dễ dàng vượt qua giai đoạn “lạ nước lạ cái” thuở ban đầu, bạn nên nhanh chân đăng ký một hoạt động thể thao hoặc văn hóa nghệ thuật tại trường đại học. Việc này sẽ rất thuận lợi khi du học Pháp. Chi phí học tập tại xứ “hình lục giác” vốn đã cực rẻ do được chính phủ tài trợ hơn 90% ở hệ thống trường công, các hoạt động ngoại khóa lại rất phong phú và thường miễn phí hoàn toàn hoặc có giá rất phải chăng.
Đơn cử như ĐH Paris 6, trường hàng đầu của Pháp về khoa học, có đến hơn 40 môn thể thao miễn phí dành cho sinh viên. Bạn có thể lựa chọn thêm nhiều hoạt động khác (thi đấu, giao lưu…) khi đóng phí từ 30-40 euro (khoảng trên dưới 1 triệu đồng)/năm cho Hội Thể thao của trường.
Không chỉ được giải tỏa căng thẳng và gia tăng điều kiện thể lực phục vụ cho việc học, chơi thể thao hoặc tham gia vào các câu lạc bộ (CLB) văn hóa nghệ thuật là điều kiện rất lý tưởng để bạn hòa nhập vào môi trường mới. “Kết tình bằng hữu” sau những trận banh hừng hực khí thế, sau những buổi “dượt” cầu lông mồ hôi nhễ nhại sẽ dễ hơn nhiều so với trong một giảng đường hàng trăm sinh viên hí hoáy ghi chép.
Với những bạn bè có chung sở thích chắc chắn bạn sẽ không gặp nhiều khó khăn để vượt qua rào cản ngôn ngữ để bắt chuyện và làm quen. Đây là bước đầu tiên để sinh viên nước ngoài gặp gỡ, tiếp xúc với sinh viên bản xứ, từ đó có thể “biết mình biết người” và đặc biệt là thường xuyên có cơ hội thực hành tiếng Pháp.
Ngoài ra, khi tham gia các CLB ngoại khóa, sinh viên sẽ có dịp “kết bạn” với những nhà nghiên cứu thuộc nhiều ngành khác nhau, thậm chí có cả... thầy cô của mình. Hoạt động thể thao, văn hóa nghệ thuật ở ĐH Pháp không chỉ dành cho sinh viên mà còn mở rộng cửa với các giáo sư, giảng viên hoặc nhà khoa học đang làm việc tại trường. Nhờ đó, sau mỗi buổi tập, bạn hoàn toàn có thể lấy sách vở ra thảo luận với một chuyên gia về sinh học phân tử mà vài phút trước là “đối thủ” vừa cùng mình so vợt nảy lửa.
>> Xem thêm: http://hoctiengphap.info/details/nhung-loi-ich-ban-khong-nen-bo-qua-khi-hoc-tieng-phap.html
Sinh viên du học tại PhápChơi mà học
Được đà tiến tới, sau khi đã hòa nhập tốt, những sinh viên sinh hoạt tích cực có thể ứng cử vị trí đại diện bộ môn của mình tại Hội Thể thao của trường. Với vị trí này, như tại ĐH Paris 6, bạn sẽ có những trải nghiệm rất thú vị như tham gia họp định kỳ để thảo luận các vấn đề về hoạt động của hội (tài chính, nhân sự, tổ chức sự kiện, tìm kiếm nguồn tài trợ cho giải giao hữu…).
“Oách” hơn, khi có việc cần quyết định bằng bỏ phiếu, lá phiếu của sinh viên được tính ngang với các thầy cô của khoa Giáo dục thể chất và đại diện ban giám hiệu tại Hội Thể thao. Các bạn sinh viên du học Pháp không chỉ tham gia mà còn chủ động tổ chức các hoạt động thể thao. Nhờ đó, tinh thần trách nhiệm đã được rèn giũa ngay tại giảng đường ĐH.
Nếu không thích chuyện họp hành, bạn vẫn có thể “tập sự” tổ chức chương trình nhờ các quỹ hỗ trợ hoạt động ngoại khóa mà hầu như ĐH nào của Pháp cũng có. Những quỹ này chuyên xem xét cấp kinh phí cho các đề án về văn hóa, nghệ thuật, thể thao, nhân đạo của sinh viên. Để được duyệt, bạn phải nộp một bản kế hoạch chi tiết và thuyết trình trước hội đồng. Với những ĐH lớn, hội đồng có thể rộng tay chi từ vài ngàn đến hàng chục ngàn euro cho những đề án độc đáo, có sức thuyết phục cao.